TRỊNH HOÀNG TRIỀU – GOOGLE BRAIN VÀ ĐAM MÊ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

Google Brain là một dự án phát triển của công ty công nghệ Google được triển khai từ năm 2011, khởi đầu bởi giáo sư Andrew Ng. Mục tiêu của dự án là mang Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence hay AI) vào những cỗ máy vốn tưởng chừng vô tri vô giác, tạo ra những sản phẩm thông minh và có ích hơn để phục vụ cho cuộc sống con người.

Một trong những mục tiêu khác của Google Brain là đào tạo và hỗ trợ thế hệ tiếp theo các nhà nghiên cứu công nghệ Deep Learning, một lĩnh vực rất thời sự hiện nay của AI, thông qua chương trình Google Brain Residency (GBR). Người tham gia GBR sẽ trở thành nhân viên toàn thời gian tại trụ sở Googleplex (Mỹ) với hợp đồng khởi đầu kéo dài 12 tháng. Đây là chương trình rất cạnh tranh, mỗi năm chỉ tuyển khoảng 30 người trên toàn thế giới, với học vị từ Cử Nhân trở lên.

Năm 2016, trong số 27 người được chọn trên 60.000 ứng viên chỉ có duy nhất Phạm Hy Hiếu (tốt nghiệp Thạc sỹ Đại học Stanford) đến từ Việt Nam. Tháng 07 năm nay, Trịnh Hoàng Triều (sinh viên năm cuối của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM) sẽ chính thức trở thành thành viên Việt Nam tiếp theo tại GBR. Chúng tôi hẹn gặp Trịnh Hoàng Triều sau khi bạn vừa bảo vệ thành công luận văn Cử nhân Chương trình Tiên tiến để tìm hiểu thêm về hành trình đến với Google Brain và đam mê đặc biệt đối với lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo của bạn.

Trịnh Hoàng Triều nhận học bổng AmCham 2015

Chúc mừng Triều đã được chọn vào nhóm GBR, bạn có thể giới thiệu sơ qua lĩnh vực nghiên cứu của mình và những gì bạn dự định sẽ làm ở Google?

Cảm ơn bạn. Trí Thông Minh Nhân Tạo (AI) là ngành khoa học tìm hiểu những nguyên lý làm cho máy móc thông minh hơn. Machine Learning (Học Máy) là một nhánh nhỏ của AI, với phương pháp làm máy móc thông minh hơn thông qua  quá trình học và tiến bộ dần, bằng cách quan sát những bài học do con người cung cấp. Deep Learning (Học Sâu) lại là một nhánh nhỏ của Machine Learning, sử dụng những mạng nơ ron nhân tạo thiết kế theo cảm hứng từ bộ não con người để làm “bộ não” cho máy móc. Deep Learning đang là một lĩnh vực nóng, thu hút nhiều nhà nghiên cứu tham gia vì hướng tiếp cận này đang giải quyết rất nhiều bài toán mà xưa nay các hệ thống cũ chưa giải quyết được, hoặc với độ chính xác còn thấp.

Ứng dụng của Machine Learning/ Deep Learning rất rộng, chẳng hạn trong Google Tìm Kiếm, Google Dịch, chế độ lọc thư rác trong email, trợ lý ảo Siri của iPhone, nhận diện mặt người của Facebook v…v… Dự định của mình là học tập từ những nhà khoa học ở Google, tìm hiểu khả năng ứng dụng của Deep Learning vào các hệ thống giáo dục cho con người. Tuy nhiên định hướng này có thể thay đổi theo nhiều cách khác nhau mà chỉ có một năm sau mình mới biết được.

Bạn có thể chia sẻ về quá trình nộp đơn và phỏng vấn của mình?

Hồ sơ chương trình GBR bắt đầu nhận vào đầu tháng 01. Điều kiện ứng tuyển khá đơn giản: chỉ cần tốt nghiệp cử nhân trở lên và có đam mê với nghiên cứu AI kèm theo minh chứng. Quá trình tuyển chọn diễn ra trong tháng 03, bao gồm 01 vòng xét hồ sơ, 03 vòng phỏng vấn và 02 vòng hội đồng xét duyệt diễn ra tuần tự nhau. 02 vòng phỏng vấn đầu xoay quanh các nội dung chuyên sâu của lĩnh vực AI với nội dung tùy thuộc vào người phỏng vấn, 01 vòng phỏng vấn cuối là để kiểm tra kỹ năng lập trình, thuật toán và cấu trúc dữ liệu. Kết quả cuối cùng được công bố vào đầu tháng 04. Những người được chọn sẽ bắt đầu làm vào tháng 07.

Mỗi năm khi mở thông báo tuyển dụng, Google đều có mô tả chi tiết họ mong muốn tìm những thí sinh như thế nào. Mình đã đọc kĩ mô tả này và chuẩn bị một cách tương ứng, tuy nhiên mỗi người vẫn có thể có một trải nghiệm khác. Việc phỏng vấn với Google hay được mô tả mang yếu tố thử thách hay đấu trí, cá nhân mình thấy nó giống một cuộc trò chuyện thân mật để hai bên tìm hiểu về khả năng hợp tác với nhau hơn. Các bạn sinh viên cứ tự tin nộp đơn, chúc may mắn!

Những yếu tố nào giúp bạn vượt qua vòng xét hồ sơ và phỏng vấn này?

Kiến thức của mình đến từ việc tự học và đi thực tập. Mỗi lần đi thực tập các giáo sư đều viết thư giới thiệu giúp mình trong hồ sơ ứng tuyển. Ngoài ra mình còn xây dựng 01 phần mềm mã nguồn mở ứng dụng công nghệ A.I. như một dự án cá nhân, sau này được một số người/ tổ chức/ công ty sử dụng trong nghiên cứu và sản xuất. Mình nghĩ yếu tố cuối cùng này là quan trọng nhất.

Việc mình được nhận cũng đến từ sự hỗ trợ của rất nhiều người khác. Chẳng hạn, thầy Trần Minh Triết là giáo sư hướng dẫn đã theo sát và giúp đỡ mình trong suốt các năm đại học, thầy đã viết một thư giới thiệu rất sâu sắc trong số 03 thư cần phải nộp kèm hồ sơ. Anh Phạm Hy Hiếu đang làm việc tại Google Brain đã giúp mình vượt qua vòng xét hồ sơ bằng một thư giới thiệu nội bộ. Đối với vòng kiểm tra kỹ năng lập trình, mình nhờ một số bạn cùng lớp có kinh nghiệm thực tập ở Google giúp đỡ tổ chức nhiều đợt phỏng vấn thử.

Chế độ ưu đãi và lương khởi điểm Google dành cho bạn như thế nào?

Mức khởi điểm trung bình của nhân viên mới làm ở Google thường là $150k/năm, tùy vào nguyện vọng mà mức này có thể được nâng lên cao hơn. Tuy nhiên theo mình, theo đuổi danh tiếng lớn, mức lương cao hay ưu đãi mà nhiều người mơ ước từ Google là một động lực không lành mạnh. Các bạn nên tập trung vào việc tận hưởng quá trình học hỏi và khám phá lĩnh vực yêu thích của mình hơn.

Được biết Triều từng đi thực tập ở Canada từ năm 02, Nhật Bản ở năm 03, và nhiều chương trình giao lưu sinh viên quốc tế khác. Yếu tố nào từ chương trình học ở trường đã giúp bạn chuẩn bị đơn nộp thành công như vậy?

Theo mình có hai yếu tố chính. Đầu tiên là việc gặp gỡ, kết nối với các thầy cô, sinh viên giỏi xung quanh giúp mình nắm bắt được nhiều cơ hội phát triển hơn. Thứ hai là môi trường học tập bằng Tiếng Anh tại chương trình Tiên Tiến, ĐHKHTN giúp mình cảm thấy mạnh dạn hơn khi đọc tài liệu tiếng Anh hay nộp đơn làm việc ở nước ngoài.

Mình không biết về các ngành nghề khác cũng như các bạn không có hoàn cảnh hay định hướng giống mình. Trong trường hợp làm việc trong ngành khoa học, kĩ thuật, các bạn sẽ thu được kinh nghiệm làm việc, giao tiếp Tiếng Anh, bổ sung nhiều điểm cộng ngoại khóa vào hồ sơ xin việc. Đặc biệt mình được kết nối với nhiều người giỏi trong ngành, họ có thể đưa ra định hướng có ích hoặc giới thiệu cho mình những cơ hội khác.

Khởi đầu là sinh viên Thủ Khoa Khối A1 của ĐH-KHTN và kết thúc với luận văn tốt nghiệp có số điểm tuyệt đối, sau 04 năm Đại Học dường như rất thành công như vậy, dự định và kế hoạch tiếp theo của bạn cho tương lai là gì?

Mình chọn trường vừa sức rồi thi cũng như các bạn khác, quá trình học của mình cũng không có gì quá đặc biệt. May mắn ở đây là mình yêu thích lĩnh vực A.I. từ sớm, rồi tự học ngoài giờ và dần nâng cao trình độ. Những thử thách và cơ hội đến tự nhiên trên đường đi chứ không đoán trước. Cụ thể mình chỉ xem GBR là một chặng nhỏ trên con đường dài hơi của bản thân. Phần lớn ai cũng đều tự học gì đó theo sở thích riêng, chẳng qua A.I. đang là xu hướng thời thượng nên Google chọn mình. Mục tiêu trong một năm tới của mình là xuất bản được bài báo ở một hội nghị khoa học quốc tế trong lúc làm việc ở Google. Sau đó mình sẽ ứng tuyển vị trí Tiến Sĩ, tìm một Giáo Sư đầu ngành làm người hướng dẫn chứ không đi làm luôn.

Cảm ơn bạn, chúc bạn may mắn trên con đường đã chọn.

Tin: FIT-HCMUS

Leave a Reply