Gặp gỡ Thủ Khoa Tốt nghiệp Khóa tuyển 2017

Lê Tấn Đăng Tâm – Sinh viên Chương trình Tiên tiến Khóa 2017 đã xuất sắc trở thành Thủ Khoa Tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM năm 2021 với điểm trung bình 9.63. Mới đây, Tâm vừa chính thức trở thành Kỹ sư Phần mềm và làm việc tại Google, Taiwan. Hãy cùng gặp gỡ và tìm hiểu những bí quyết học tập của chàng trai thủ khoa này nhé. 

  1. Bạn thường cân đối những môn học thế nào để luôn đạt được điểm số cao?

Mình nghĩ có hai yếu tố quan trọng giúp anh có thể đạt điểm số tốt trong các môn học: hệ thống và kế hoạch.

Về hệ thống, từ năm nhất đại học, mình bắt đầu dành thời gian tìm hiểu và xây dựng một hệ thống hỗ trợ cho việc học, bao gồm: các phương pháp học cho các môn học khác nhau, phương pháp ghi chú và cách ghi nhớ kiến thức. Đối với từng môn học, mình sẽ có những cách tiếp cận khác nhau, nhưng chúng sẽ đều xoay quanh các trụ cột: hiểu và ghi nhớ lý thuyết, làm bài tập để luyện tập kĩ năng và mày mò xây dựng các dự án nhỏ để tích lũy kinh nghiệm thực tế. Mình đã thử nghiệm khá nhiều phương pháp ghi chú khác nhau để tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho bản thân và quan trọng hơn, nó phải giúp mình ghi nhớ kiến thức dễ dàng hơn. Cách mình ghi chú và lưu giữ kiến thức dựa trên hai phương pháp kinh điển Active Recall và Spaced Repetition. Từ những nội dung trong bài giảng và sách, mình sẽ ghi chú bằng những câu hỏi trong flashcards và dùng chúng để luyện tập truy xuất kiến thức. Một hệ thống hỗ trợ việc học như vậy tạo cho mình rất nhiều cảm hứng và động lực để học và không những thế, nó còn giúp mình tránh cảm giác hoang mang trước lượng kiến thức lớn cần phải ôn tập trước các kì thi giữa kì, cuối kì. Ngoài ra, có một hệ thống như vậy cũng giúp mình dễ dàng nhìn ra được những lỗ hổng kiến thức của mình, từ đó có thể tập trung để khắc phục chúng tốt hơn. Giống như một đầu bếp luôn phải giữ cho con dao của mình luôn sắc bén, anh nghĩ xây dựng một môi trường và hệ thống hỗ trợ như vậy là việc thiết yếu của một người học.

Mình có thói quen lập kế hoạch chi tiết cho các môn học kể từ đầu học kì. Kế hoạch đó sẽ bao gồm việc: luyện tập Active Recall thông qua flashcard cho các nội dung đã học trong tuần, deadlines các bài tập, đồ án, lịch thi giữa kì, cuối kì. Để tuân thủ kế hoạch định trước thì cần có một sự kỉ luật nhất định, nhưng bù lại nó cho anh cảm giác làm chủ được việc học của mình. Một trong những sai lầm mình thường thấy ở các bạn là để cho deadline này chồng chéo lên deadline kia, và đến một lúc mọi thứ sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Có một kế hoạch hợp lí cùng với kỉ luật là cách tốt nhất để ngăn chặn chuyện đó.

Mình cũng cố gắng tối ưu thời gian học sao cho lượng kiến thức tiếp thu được trên bỏ ra là tốt nhất. Mình nhận ra có một khoảng thời gian hằng tuần mà sinh viên nào cũng phải dành cho việc học: thời gian học ở lớp và mình nghĩ rằng khoảng thời gian đó chưa được sử dụng một cách tối ưu. Vậy nên, mình sẽ luôn cố gắng tìm hiểu trước những nội dung mà mình sẽ được học, và thời gian ở trong lớp mình có thể dùng để đào sâu hơn vào những nội dung mà mình thấy hứng thú hoặc hiểu rõ hơn những điều còn mơ hồ. Ngoài ra, mình thấy việc có sinh viên như vậy cũng tạo tinh thần tốt cho các thầy cô khi giảng dạy nữa.

Một số ứng dụng mình sử dụng để hỗ trợ cho việc học: Remnote, Anki, Obsidian.md, Notion.

 

  1. Đối với những bạn không giỏi Toán, Tâm có cảm thấy đó là vấn đề lớn khi theo CNTT không?

Mình nghĩ Toán học là một phần quan trọng và không thể thiếu đối với Công nghệ Thông tin, đặc biệt là đối với những bạn có định hướng theo những lĩnh vực như Khoa học Máy tính, Trí tuệ Nhân tạo hay Khoa học Dữ liệu. Nếu không theo những chuyên ngành đó thì những môn học liên quan đến Toán cũng chiếm tỉ trọng khá lớn trong những môn đại cương, vậy nên mình nghĩ việc học tốt Toán sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn.

Toán học quan trọng như vậy nhưng mình không nghĩ nó là rào cản cho việc theo học CNTT. Chương trình giảng dạy CNTT được thiết kế để giúp các bạn có thể học và nâng cao kiến thức về Toán học từ trình độ cơ bản. Nếu bạn có nền tảng Toán học tốt, bạn có thể học và tiếp thu nhanh hơn, nhưng nếu không có, không có nghĩa là bạn không thể mà chỉ là bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn một tí và phải nỗ lực hơn một tí. Vậy nên, bạn có giỏi Toán hay không không quan trọng lắm, mà bạn có sẵn sàng nỗ lực để trở thành một học tốt Toán hay không.

 

  1. Được biết Tâm còn có IELTS 7.5, bạn có thể chia sẻ một số tips nhỏ để có thể đạt được thành tích tốt như vậy không?

Tiếng Anh là một ngôn ngữ và IELTS là một bài thi. Để học một ngôn ngữ thì chúng ta cần phải “sống” với nó – thông qua việc nghe, đọc, nói và tiếp nhận văn hóa của ngôn ngữ đó. Với bài thi IELTS, cách để hoàn thành tốt nó cũng giống với những bài thi khác: hiểu rõ cấu trúc, nội dung, cách đánh giá của đề thi, đồng thời chuẩn bị và luyện tập thật tốt. Mình nghĩ luyện tập kiên trì, đều đặn, có chọn lọc và phản hồi là chìa khóa để các bạn có thể cải thiện kết quả, nâng cao khả năng ngôn ngữ của mình.

 

  1. Trong quá trình học, có môn nào bạn rất thích nhưng không thể nào có điểm cao được, và anh đã xử lý thế nào khi gặp tình huống éo le này?

Thật ra, mình khá may mắn khi không có môn học yêu thích nào bị điểm thấp cả. Tuy vậy, vẫn có những môn mà sau khi học xong, mình vẫn cảm thấy chưa thật sự hiểu rõ một số nội dung kiến thức đã học. Cách xử lý của mình đối với những môn đó khá là đơn giản: … tiếp tục học. Phần lớn thời gian của mình dành cho một môn học không nằm ở việc nghe giảng trong lớp học mà dành cho việc tự tìm hiểu thông qua sách, các khóa học và các nguồn khác, nên việc tiếp tục học sau bài thi cuối kì đối với mình khá tự nhiên. Mục tiêu của mình trong các môn học luôn là kiến thức chứ không phải điểm số nên trong trường hợp không đạt điểm cao được trong một môn mà mình yêu thích, mình sẽ xem lại những chỗ mình còn chưa hiểu rõ và tiếp tục học để nâng cao kiến thức của mình thôi.

 

  1. Hiện nay peer pressure là một vấn đề không hề xa lạ, bản thân anh có thành tích cao như vậy thì có bao giờ bạn bị áp lực đồng trang lứa không?

Tâm nghĩ peer-pressure chắc không chừa một ai đâu. Một ngày bình yên của mình thỉnh thoảng cũng bị phá hỏng trong vài phút lướt facebook và đọc được thành thích mới nhất của bạn bè. Trong quá trình học tập thì mình cũng không có nhiều thành tích nổi trội lắm, nên việc cảm thấy bị áp lực cũng không phải chuyện khó hiểu. Nhưng mình nghĩ, áp lực đồng trang lứa nên chỉ được xem nhưng là một áp lực bình thường – một áp lực mà giúp chúng ta dũng cảm bước ra ngoài vùng an toàn của mình để tiến lên phía trước. Người khác thành công không có nghĩa là chúng ta là những kẻ thất bại. Thế giới này được vận hành không chỉ bởi những người xuất chúng, mỗi người đều mang trong mình những giá riêng và sẽ có những con đường phát triển riêng để có phát huy tối đa những giá trị đó.

 

  1. Bạn nghĩ như thế nào về những vấn đề tâm lý mà các bạn sinh viên hay gặp phải (burnout, depression, …). Bạn có từng bị hoặc bắt gặp ai đã bị những vấn đề này? Bạn đối diện và vượt qua nó như thế nào?

Sức khỏe tinh thần là một điều vô cùng quan trọng, và Tâm cảm thấy thật tốt khi trong thời gian gần đây mọi người đã chú tâm đến nó nhiều hơn. Bản thân mình cũng từng trải qua những giai đoạn mà tinh thần của mình khá tệ. Mình cảm thấy mình khá may mắn khi vào những giai đoạn đó, mình có những người bạn biết lắng nghe để mình có thể nói ra nỗi lòng của mình. Những lúc đó, dù có thể không tìm ra được cách giải quyết, nhưng việc được nói và có người lắng nghe đã là một sự chữa trị tích cực cho tinh thần của mình. Thêm vào đó, mình cũng tìm đọc những sách về tâm lý để hiểu hơn về những vấn đề mình đang gặp phải, học cách chấp nhận thay vì phủ nhận và chạy trốn khỏi những cảm xúc tiêu cực. Chúng ta không quyết định được những gì sẽ xảy ra với mình, nhưng chúng ta được quyền lựa chọn cách chúng ta phản ứng với chúng. Ngoài ra, mình nghĩ tìm đến những bác sĩ và chuyên gia về tâm lý cũng là một cách hiệu quả, nhất là khi bản thân hoặc bạn bè của mình vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm về việc này.

 

  1. Tâm có điều gì nhắn nhủ đến các bạn học sinh đang có nguyện vọng trở thành Úer và các bạn sinh viên trong nhà FIT không?

Hồi Tâm học lớp 12, khi làm hồ sơ đăng kí nguyện vọng, Tâm chỉ có đúng 2 nguyện vọng và cả hai đều là trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Tâm nghĩ đó là một trong những lần hiếm hoi mà anh không cảm thấy sai lầm về những quyết định liều lĩnh của mình. Với các bạn học sinh đang có nguyện vọng vào trường, mình muốn nhắn rằng nếu các bạn chọn Tự nhiên thì phía trước các bạn không chỉ là chuyện học hành mà còn là rất nhiều cơ hội để khám phá và phát triển bản thân. Mình nghĩ các bạn sẽ học được rất nhiều thứ trên chặng đường dưới mái trường này.

Với các bạn sinh viên trong nhà FIT, Tâm chúc các bạn có thể tận dụng hết tất cả những gì mà các bạn đang có: thời gian, bạn bè, thầy cô, các cơ hội để có thể phát triển bản thân. Chúc các bạn tìm ra được con đường phù hợp với bản thân mình và hạnh phúc trên con đường đó.

 

———–Mọi người có thể lắng nghe chia sẻ của Tâm về kinh nghiệm thi IELTS tại Podcast cùng fit@hcmus nữa nhé:

https://open.spotify.com/episode/4ypE4qcgKcFwTLfM1IaA6Q?si=7e78feca492c4d7f

Comments are closed.